Ăn muối ít natri có thể giảm nguy cơ đột quỵ

Muối ăn thông thường làm tăng huyết áp, đau tim, sử dụng muối thay thế với ít hoặc không có natri có thể giảm 14% nguy cơ đột quỵ.

Tháng 3/2022, Đại học Y dược Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc) công bố nghiên cứu về bệnh đột quỵ và muối thay thế được thực hiện trên 20.000 người từ 60 tuổi trong 5 năm. Tất cả được chia thành hai nhóm: nhóm sử dụng muối thay thế 20 gram mỗi ngày và nhóm còn lại ăn muối thông thường có kiểm soát. Kết quả cho thấy, sử dụng muối thay thế có thể làm giảm 14% nguy cơ đột quỵ và giảm 13% các cơn đau tim kèm theo đột quỵ.

Muối thay thế được sử dụng trong nghiên cứu có 75% natri clorua và 25% kali clorua. Hiện tại có nhiều loại muối thay thế hoặc loại bỏ thành phần natri clorua và thay bằng kali clorua.

Từ các kết quả nghiên cứu, Thomas Lung – nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Sức khỏe Toàn cầu George nhận định, sử dụng muối thay thế giúp tiết kiệm được chi phí nằm viện và cải thiện chất lượng sống cho nhiều người.

Muối ăn là tên gọi của hợp chất natri clorua. Muối thay thế là loại muối ít hoặc không có natri. Theo Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng (Mỹ), natri là một khoáng chất thiết yếu giúp cân bằng chất lỏng, xung thần kinh và hỗ trợ các chức năng cơ bắp. Cơ thể chúng ta cần natri, tuy nhiên, nếu hấp thu quá nhiều natri sẽ giữ nước trong các mạch máu, tăng áp lực và nguy cơ gây vỡ mạch máu.

Năm 2021, Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) đã đưa ra khuyến nghị người dân giảm lượng natri hấp thu từ 2.300 mg xuống dưới 1.500 mg mỗi ngày. Một muỗng nhỏ (muỗng pha cà phê) muối có chứa hơn 2.300 mg natri đã vượt quá giới hạn cho phép. Nguy cơ hấp thu nhiều natri có thể dẫn đến huyết áp cao và đau tim. Do đó, một số người đã chuyển sang sử dụng muối thay thế.

Ăn muối ít natri có thể giảm nguy cơ đột quỵ

Ăn nhiều muối không tốt cho sức khỏe. Ảnh: Freepik

Cân bằng lượng natri và kali trong cơ thể

Cũng như natri, kali là một khoáng chất cần thiết cho hoạt động của cơ thể, hỗ trợ sức khỏe tim mạch và giảm huyết áp.Tuy nhiên, sử dụng quá nhiều kali lại không tốt đối với với những người mắc bệnh thận, gan hoặc đang mắc bệnh tim. Ngoài ra, kali clorua còn có thể ảnh hưởng đến hiệu quả một số loại thuốc điều trị huyết áp và thuốc lợi tiểu giữ kali.

Tạp chí Y học New England từng công bố nghiên cứu cho thấy sự mất cân bằng giữa natri và kali có liên quan đến bệnh lý tim mạch. Phát hiện này đã giúp các nhà nghiên cứu tìm kiếm thêm nhiều phương pháp để điều tiết giảm lượng natri hoặc tăng lượng kali thích hợp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc giảm hấp thụ natri có thể dễ hơn tăng lượng kali.

Nếu muốn giảm lượng natri hấp thu vào cơ thể, bạn có thể sử dụng các loại thảo mộc làm gia vị thay muối để tạo thêm hương vị cho món ăn. Bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia trong trường hợp muốn sử dụng muối thay thế, chuyển đổi từ muối natri sang muối kali.

Trả lời