Cách giảm muối trong khẩu phần cho người tăng huyết áp

Người cao huyết áp không ăn quá 5 gram muối (khoảng một muỗng cà phê) một ngày, nêm nếm thức ăn nhạt, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn để kiểm soát bệnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thanh Kiều – Trưởng khoa Nội tim mạch, Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, chế độ ăn mặn có liên quan chặt chẽ với bệnh tăng huyết áp. Trong đó, sự nhạy cảm với muối được xem là nguyên nhân gây tăng huyết áp rõ rệt nhất. Có khoảng 50% người bệnh tăng huyết áp và 25% người không có tăng huyết áp có sự nhạy cảm này. Họ không thể bài tiết lượng muối dư thừa qua thận khi ăn nhiều muối và huyết áp tăng vọt ngay sau đó.

Người Việt ăn nhiều muối gấp đôi khuyến nghị

Natri trong khẩu phần ăn hàng ngày chủ yếu được cung cấp qua muối ăn, nước mắm, nước tương. Ngoài ra, một phần khác có trong các thực phẩm tự nhiên hoặc phụ gia thực phẩm như hải sản (tôm, cua, sò…), cá khô, khô mực, thực phẩm đóng hộp… Do đó, tiết chế natri không chỉ giảm lượng muối ăn vào mà còn tránh những thực phẩm có chứa nhiều muối trong khẩu phần hằng ngày.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trung bình một người Việt trưởng thành tiêu thụ gần 10 gram muối mỗi ngày. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tổng lượng muối ăn tối đa cho người tăng huyết áp là dưới 5 gram một ngày (tương đương với khoảng một muỗng cà phê), ít hơn một nửa lượng muối ăn trung bình của người Việt đang dùng. Khi tính toán lượng muối trong khẩu phần ăn, chúng ta phải tính cả lượng muối có sẵn trong thực phẩm, lượng nêm vào và lượng có trong nước chấm.

Người trưởng thành nên giảm một nửa lượng muối đang dùng để phòng tránh tăng huyết áp, bệnh tim mạch... Ảnh: Freepik.

Người trưởng thành nên giảm một nửa lượng muối đang dùng để phòng tránh tăng huyết áp, bệnh tim mạch… Ảnh: Freepik.

“Ăn ít muối chỉ làm giảm cảm giác ngon miệng cho người bệnh trong một thời gian ngắn, khoảng vài tuần lễ đầu tiên. Sau thời gian này, các tế bào thần kinh vị giác sẽ có khuynh hướng điều chỉnh lại cảm giác về vị mặn của thức ăn và bạn sẽ thấy ngon miệng hơn”, bác sĩ Kiều nói.

Người tăng huyết áp nên ăn dưới 5 gram muối mỗi ngày

Bác sĩ Kiều chia sẻ thêm, để giảm lượng muối ăn dưới 5 gram một ngày, người tăng huyết áp có thể áp dụng một số cách dưới đây:

– Sử dụng rất ít muối hoặc phụ gia (bột nêm, bột canh, nước mắm…) khi nêm nếm, tốt nhất là không nêm thêm khi sử dụng thực phẩm đã có sẵn lượng muối (hải sản, đồ đóng hộp, cá khô…). Vì 75% lượng muối ăn hàng ngày có trong bánh mì và ngũ cốc ăn sáng. Nhiều người có thói quen rắc muối thêm vào khẩu phần ăn không cần thiết. Nên nếm thức ăn trước khi thêm muối hoặc nên bỏ hẳn thói quen này. Bạn có thể thay một phần muối ăn bằng bột ngọt (mì chính) để duy trì độ ngon miệng của thức ăn ít muối nếu cần thiết, tuy nhiên không nên lạm dụng quá nhiều bột ngọt.

– Không sử dụng thêm các loại nước chấm, muối chấm… trong bữa ăn.

– Không ăn các thực phẩm nhiều muối như dưa cải muối, cà muối, mắm, khô, xúc xích, thịt xông khói, giò chả…

– Nấu ăn tại nhà sẽ dễ kiểm soát lượng muối ăn cho vào hơn.

– Khi dùng thực phẩm đóng hộp lưu ý xem hàm lượng muối trên nhãn hộp, ưu tiên loại ít muối.

– Hạn chế ăn xúc xích, thịt xông khói, thịt hoặc cá đông lạnh.

– Lưu ý lượng muối trong các loại nước sốt chế biến sẵn, nước sốt cà thường ít hơn loại sốt phô mai hoặc loại có chứa olive. Nước tương, mù tạt, dưa chua, sốt mayonnaise và các loại sốt ăn kèm khác đều có thể chứa nhiều muối.

Bạn nên dùng ít muối khi nêm nếm thức ăn. Ảnh: Freepik.

Bạn nên dùng ít muối khi nêm nếm thức ăn. Ảnh: Freepik.

Khi đi ăn ở bên ngoài (hay nhà hàng), bạn cần lưu ý:

– Khi ăn pizza, chọn loại rau củ hoặc gà hơn là loại có xúc xích hun khói, thịt muối hay loại có nhiều phô mai.

– Khi ăn mì (pasta), chọn nước sốt cà với rau củ hoặc thịt gà hơn là xúc xích, thịt muối hay phô mai.

– Khi ăn bánh mì kẹp thịt (burger) tránh bỏ thêm muối, thịt muối, phô mai hay nước sốt thịt nướng.

– Bánh mì sandwich thay vì ăn với giăm bông hay phô mai thì thay thế bằng trứng, thịt gà, rau củ, trái bơ; nên thêm salad thay vì mù tạt hay dưa chua.

– Với món salad, nước sốt hay nước trộn nên để riêng để có thể chỉ cho vừa đủ dùng.

– Ăn cơm trắng thay vì ăn cơm chiên trứng hay cơm thập cẩm.

– Khi ăn bún, phở, không nên ăn hết nước dùng vì trong đó có nhiều muối.

Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thanh Kiều thăm khám tầm soát sức khỏe định kỳ cho một phụ nữ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thanh Kiều thăm khám tầm soát sức khỏe định kỳ cho một phụ nữ. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh.

Bác sĩ Kiều nhấn mạnh, chế độ ăn nhiều muối không chỉ ảnh hưởng đến tình trạng tăng huyết áp mà còn liên quan đến tăng nguy cơ đột quỵ, dày thành tâm thất trái (tim dày lên), tăng lượng đạm trong nước tiểu và suy tim. Do đó, chế độ ăn giảm muối giúp cải thiện cao huyết áp cũng như giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch. Nhiều nghiên cứu cho thấy, người có yếu tố di truyền bệnh tăng huyết áp, nếu khám tầm soát bệnh định kỳ 6 tháng một lần, kết hợp thay đổi chế độ ăn uống và lối sống phù hợp thì nguy cơ mắc bệnh giảm đáng kể.

Để lại một bình luận