Bài viết được đăng tại Báo Kinh tế Sài Gòn ngày 21/09/2023
Muối phơi cát quỳnh lưu là dòng muối thủ công truyền thống có đặc tính riêng, có hàm lượng khoáng biển đa dạng, chứa nhiều khoáng gốc Magie, Kali, Calxi, tốt cho sức khỏe con người.
Một bạn trẻ, chịu học, đầy nhiệt huyết, nhìn thấy tiềm lực của quê hương nên quyết tâm đưa khoa học công nghệ vào nâng cấp giá trị của sản vật bản địa. Đem công nghệ vào sản xuất, Công ty Nanosalt của Hồ xuân Vinh đã biến muối phơi cát sản xuất thủ công ở Quỳnh Lưu, Nghệ An thành gia vị, dược liệu hữu ích cho sức khỏe con người – giảm mặn 50%, bổ sung 60 loại vi khoáng.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nghề cơ khí truyền thống nên Hồ Xuân Vinh, 36 tuổi, rất đam mê nghiên cứu, sáng chế máy móc. Cách đây 10 năm, cầm tấm bằng kĩ sư Đại học Bách khoa Hà Nội, Vinh quyết định về quê (xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) khởi nghiệp. Có đam mê, có nghề truyền thống gia đình, có tri thức khoa học kỹ thuật nên Hồ Xuân Vinh nhanh chóng được người ta gọi là “Vua sáng chế” với vật liệu không nung, máy ép gạch trộn bê tông, máy gạch tự ghép, dây chuyền chế bến sợi tơ chuối… Vinh đã trao nhiều giải thưởng của trung ương lẫn địa phương. Anh sở hữu 30 bằng sáng chế được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công Nghệ) bảo hộ.
Cách đây năm năm, Vinh quyết định “dấn thân” vào hạt muối. Là bởi ngày ngày ra ngõ gặp những cánh đồng muối trắng lóa mắt, mặn mòi. Ai cũng biết muối và gạo là hai thực phẩm thiết yếu của đời sống con người, là an ninh lương thực của một quốc gia. Thế nhưng nghề muối ở Quỳnh Lưu bao năm nay vẫn vậy, cách làm như xưa, giá muối rẻ rúng như xưa, diêm dân thì toàn người già cả, chẳng mấy ai theo nghề này nữa.
Tìm thấy “mật muối”
Thấy trong quá trình sản xuất muối, diêm dân huyện Quỳnh Lưu chỉ thu hoạch muối hạt còn nước ót (phần nước nhỉ ra sau khi thu hoạch muối hạt) bị xem là phụ phẩm nên đổ bỏ, xả ra ngoài, vừa lãng phí, vừa gay ô nhiễm môi trường. Nước rỉ ra từ muối thì chắc chắn cũng có những chất tốt như muối. Nghĩ vậy, anh Hồ Xuân Vinh mang mật muối đi kiểm định. Và thật bất ngờ, trong mật muối có chứa khoáng Natri, Kali, Magie và 60 vi khoáng khác có lợi cho sức khỏe của con người.
“Lần đầu tiên thấy thứ chất lỏng có màu như mật rỉ ra từ ruộng muối cũng có thể mang lại thu nhập cho bà con diêm dân, tôi quá bất ngờ”, anh Vinh nhớ lại và gọi đó là “mật muối”, là “tinh hoa của biển”.
Anh ước tính, mỗi năm Quỳnh Lưu sản xuất gần 50.000 tấn muối, có thể có khoảng 30.000 tấn mật muối. Và anh mua với giá 800 đồng/lít, bằng một nửa giá muối thô. Chỉ riêng việc ấy, mỗi năm diêm dân đã có thêm 50% thu nhập từ phụ phẩm của muối. Và trên cánh đồng muối thì không có gì bị bỏ phí.
Để nhận ra mật muối là vàng trắng, muối không chỉ là gia vị mà còn là dược thiện, để giảm mặn cho muối, để sản xuất muối sức khỏe… là hành trình năm năm ròng rã của Hồ Xuân Vinh – nhà đồng sáng lập Công ty TNHH ABACA Việt Nam.
Và Vinh quyết định làm một cuộc cánh mạng cho muối.
Cuộc cách mạng cho muối
Anh dành suốt hơn năm năm trời đi khắp các vùng sản xuất muối của Việt Nam, tìm gặp các chuyện gia đầu ngành muối để học hỏi kinh nghiệm, nghiên cứu tài liệu Đông Tây kim cổ để tìm hiểu khía cạnh dược liệu của muối.
Rồi người Tây Ninh chế biến ra muối tôm, người Gia Lai có muối cỏ thơm, muối kiến vàng, người Hàn Quốc có muối tre… Muối đắng, chỉ tìm thấy ở miền Bắc Việt Nam. Diêm dân khi thu hoạch muối vào mùa đông, những ngày tạnh ráo và có hửng nắng, gọi là thu hoạch muối vụ chiêm, trái vụ. Trên cánh đồng muối vụ chiêm đó, sau khi thu hoạch muối Natri thông thường, nước muối còn lại trên cánh đồng, qua đêm đông lạnh buốt, sáng hôm sau sẽ thấy một lớp muối kết tinh và đóng băng trên bề mặt sân phơi. Diêm dân cạo muối lên nếm thì thấy có vị đắnh nên gọi là muối đắng vụ chiêm. Theo y học cổ truyền, muối đắng có màu trắng đục, vị đắng, tính thanh, dùng chữa bệnh rôm sẩy, bệnh ngoài da, nhuận tràng…Theo y học hiện đại, Magie là một nguyên tố khoáng chất thiết yếu cho các hệ thống sinh học dưới dạng ion Mg2+. Muối đắng Magie có tác dụng thải độc, an thần ,nhuận tràng, là một vi khoáng thiết yếu cho cơ thể, tham gia hơn 300 phản ứng hóa sinh trong cơ thể. Trên thế giới, muối đắng được gọi tên là muối Epsom.
Một sản vật vật nữa của đồng muối chính là hoa muối, đó là các tinh thể rất nhẹ, giòn, long lanh như ngọc.
Didier Corlou, đầu bếp nổi tiếng người Pháp, khi đến thăm các vùng làm mắm ở Việt Nam, thấy những hạt muối đọng trên thành chum sành, bể xi măng, thùng gỗ ủ mước mắm, ông cạo để nếm thử và rất thích. Ông đã mua những hạt muối khô, mịn đó về để rắc lên những món ăn. Ông kể rằng diêm dân ở Guérande, Pháp vớt fleur de sal (hoa muối) trên các ao chứa lúc mặt trời lặn. Không giống các công ty lớn, ở đây tương lai nằm ở chất lượng, chứ không phải số lượng. Họ đưa ra giá rất cao cho muối của mình, vì đây là sản phẩm được làm thủ công và truyền thống giữa một thế giới ngày càng khao khát bàn tay tinh tế của những nghệ nhân. Họ tạo ra hai loại muối, muối xám và hoa muối. Các tinh thể hoa muối rất nhẹ, giòn, đắt gấp muồi lần so với muối xám đắt tiền.
Vinh lặn lội sang tận Bắc Âu để nghiên cứu những kinh nghiệm của người dân ở đây sản xuất muối trong điều kiện khí hậu lạnh quanh năm…Khi đã đúc rút được cả sàng khôn để hoàn thiện quy trình công nghệ rồi, Vinh lại bắt tay vào thiết kế, sáng chế các dây chuyền thiết bị kèm theo, để sản xuất theo dây chuyền với sản lượng lớn, để phân tách được từng loại muối khoáng khác nhau từ mật muối…Sau nhiều nỗ lực của cả một đội ngũ những người trẻ trung, tài năng và tâm huyết, cuối năm 2021, họ hoàn thành được quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị đi kèm, nộp ba bằng sáng chế lên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công Nghệ). Họ tự tin mình đã sáng tạo ra công nghệ phân tách đa tầng khoáng biển từ mật muối, làm nền tảng để đi vào chế biến sâu hạt muối quê hương.
Nhà sáng chế trẻ Hồ Xuân Vinh làm việc cùng với bà con diêm dân tại cánh đồng muối
Làm chủ được kỹ thuật sẽ thắng
Mỗi tháng, công ty ABACA Việt Nam thu mua khoảng 50 tấn muối biển, 40 mét khối mật muối của diêm dân Quỳnh Lưu. Tiếp đó muối và mật muối trải qua ba bước lọc sạch tạp chất khỏi nước, qua quá trình phân tách đa tầng với nhiều máy móc thiết bị để tách ra các khoáng chất cần thiết cho cơ thể người, sau đó qua nhiều bước như sấy, nghiền, trộn, để tạo thành muối giảm mặn. ABACA Việt Nam áp dụng công nghệ phân tách đa tầng, ba ngày một quy trình, trải qua chín công đoạn để cho ra 22 sản phẩm muối giảm Na từ 30-50%. Sản phẩm chia làm bốn dòng là: muối gia vị (muối giảm mặn, bột canh giảm mặn, muối tôm, muối chua cay, muối không i ốt), muối dược liệu- làm đẹp (muối ngâm chân, muối tắm cho bé, muối Epsom (spa/massage/rửa mặt/tẩy tế bào chết), muối y tế và muối quà tặng ( muối nhuộm màu phong thủy, ngũ hành, có chứa tinh dầu…). Trong đó, muối ngâm chân là sản phẩm cao cấp nhất, giá 100.000 đồng/hộp 2080g; muối Epsom giá 60.000 đồng/hộp 200g. Muối tôm làm kỳ công nhất, mất 4 giờ mới xong thành vật phẩm trưng bày… Làm chủ được kỹ thuật, sẽ có loại muối mong muốn.
Công ty TNHH Abaca Việt Nam của hai vợ chồng Trần Thị Hồng Thắm – Hồ Xuân Vinh mới tung sản phẩm ra thị trường được hơn một năm nhưng đã có gần 30 đại lý ở tám tỉnh, thành phố trên cả nước. Sản phẩm được người tiêu dùng chấp nhận. Ba sản phẩm đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao của tỉnh Nghệ An.
Trần Thị Hồng Thắm, 31 tuổi, cử nhân kinh tế đối ngoại, Đại học ngoại thương Hà Nội, có khiếu kinh doanh. Hai người hỗ trợ nhau, một người chuyên nghiên cứu và phát triển, một người chuyên kinh doanh. Gia đìmh hai bên không có ai làm muối, hai vợ chồng vì tâm huyết nên luôn mày mò thử – sai để mong muốn phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương bằng khoa học công nghệ. Trẻ, có học thức, đầy nhiệt huyết, nhìn thấy tiềm lực của quê hương nên họ quyết tâm đưa khoa học công nghệ vào nâng cấp giá trị của sản vật bản địa. Họ gửi gắm điều ấy ngay vào tên thương hiệu Nanosalt , viết tắt của từ “Nghe An Ocean salt” (Muối biển Nghệ An).
Hiện tại, công ty đang tạo việc làm thường xuyên cho mười lao động và năm lao động thời vụ. Trong năm nay, mục tiêu của họ là xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản.
“Thời gian tới, công ty chúng tối tiếp tục tạo ra các sản phẩm muối vì sức khỏe cộng đồng, hướng đến xuất khẩu những sản phẩm muối cao cấp, đưa thương hiệu muối Việt Nam định vị trên bản đồ thế giới, giúp bà con diêm dân tăng thu nhập, giữ gìn được làng nghề muối truyền thống phát triển bền vững”, Trần Thị Hồng Thắm – Giám đốc công ty TNHH Abaca Việt Nam, nói.
Góp thêm một cách để làng nghề phát triển bền vững, Abaca Việt Nam đã xây dựng làng muối An Hòa thành điểm đến trong hành trình du lịch tại Nghệ An.
Công nghệ muối NANOSALT đạt Giải Ba – Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam
Sản phẩm muối giảm mặn Nanosalt do công ty TNHH Abaca Việt Nam phát triển với sự đồng hành của các nhà khoa học trong “Nhóm nghiên cứu thuốc mới”, thuộc Viện Nghiên cứu tiên tiến Phenikaa và khoa Dược, trường Đại học Phenikaa(Hà Nội). Abaca Việt Nam là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam thu mua mật muối để kết tinh thành những hạt muối sạch không tạp chất, giảm mặn, đa khoáng.
Vượt qua 150 doanh nghiệp, Công ty TNHH Abaca Việt Nam với các dòng sản phẩm muối giảm mặn đã trở thành một trong 30 doanh nghiệp tạo tác động xã hội được nhận gói hỗ trợ từ dự án hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với Covid-19 do Global Affairs Canada tài trợ thông qua Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) và Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nguồn báo: www.thesaigontimes.vn